Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Vì sao phân bón tăng giá?

Cập nhật: 01-07-2021 03:51:04 | Tin thị trường | Lượt xem: 806

Vì sao phân bón tăng giá?

Với giá phân bón tại Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp phân bón trong nước đã găm hàng tạo sốt giá để trục lợi trong khi người nông dân đối mặt với sản xuất thua lỗ. Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho biết: Từ những tháng cuối năm 2020 cho đến nay, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm ure đã tăng khá cao. Số liệu từ các nguồn khác nhau cho thấy, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, phân bón kali tăng 31%, cụ thể ở mức từ 435-440 USD/tấn, mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay.

Theo ông Hà, giá phân bón tăng là bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng rất nhanh, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP đã tăng giá khá nhanh. Hiện nay giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất đã tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn (tháng 10-2020) tăng lên khoảng 210 USD/tấn và giá amoniac tăng tới 60% (tháng 4 vừa qua). Đồng thời chi phí vận chuyển nhất là vận chuyển bằng container cũng tăng chóng mặt, có số liệu cho biết giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng vài lần so với năm 2020. Nguồn cung phân bón thế giới và trong nước đều sụt giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 gần 2 năm qua, nhiều nhà máy hoặc phải dừng hoặc phải giảm công suất sản xuất.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách và sản lượng phân bón sản xuất tại Trung Quốc, cường quốc về sản xuất và tiêu thụ cũng ảnh hưởng nhiều đến giá và nguồn cung phân bón. Trước tình hình giá phân bón tăng cao, nơi này nơi kia thiếu hàng, hiện tượng găm hàng, "té nước theo mưa" có thể xẩy ra. Hiệp hội Phân bón Việt Nam không có số liệu, báo cáo cụ thể về việc găm hàng, đầu cơ nhưng VFA cho rằng việc trên xảy ra sẽ gây ra tâm lý sợ thiếu hàng, góp một phần vào việc tăng giá chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra tăng giá phân bón. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cần tham gia tích cực vào việc chấm dứt các hiện tượng nêu trên.

Nguồn: vinachem.com.vn