Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Vì sao giá phân bón thế giới tiếp tục tăng cao?

Cập nhật: 26-02-2022 02:04:22 | Tin thị trường | Lượt xem: 308

Vì sao giá phân bón thế giới tiếp tục tăng cao?

Giá phân bón chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí của người nông dân, vì vậy ít có đề tài nào được tranh luận nhiều như xu hướng tăng giá phân bón thời gian qua và những lo ngại về khả năng thiếu nguồn cung phân bón cho vụ mùa 2022. Hiện tại, ở một số khu vực trên thế giới giá phân bón đã tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước, thời gian giao hàng cũng lâu hơn. 

Thời gian qua, tất cả loại phân bón chính như đạm, lân, kali đều chịu áp lực tăng giá. Theo thống kê chi phí sản xuất nông nghiệp tại bang Illinois (Mỹ), giá phân bón chứa amoni đã tăng 210% so với tháng 9-2020, giá phân đạm dạng lỏng tăng hơn 159%, phân urê tăng 155%, MAP tăng 125%, DAP tăng 100%, phân kali tăng 134%. 

Xu hướng tăng giá mạnh tương tự đã xảy ra ở Mỹ một lần trước, vào năm 2008. Khi đó, trong vòng 12 tháng giá phân đạm đã tăng 32%, phân lân tăng 93%, phân kali tăng 100%. Những mức giá cao như vậy đã giữ nguyên trong cả năm 2009 và chỉ đến cuối năm mới giảm xuống những mức trước năm 2007. Nguyên nhân của sự tăng giá như vậy là nhu cầu cao trong nước cũng như trên toàn cầu, hàng tồn kho thấp và ngành sản xuất phân bón Mỹ đã không thể điều chỉnh sản lượng một cách kịp thời. 

Trong đợt tăng giá hiện nay, những yếu tố như trên vẫn tiếp tục đóng vai trò nhất định, cùng với một số yếu tố khác khiến cho tính bất ổn trên thị trường ngày càng tăng.

Phân bón là loại hàng hóa được kinh doanh trên toàn cầu và có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà sản xuất ở từng quốc gia riêng rẽ. Tương tự như các hàng hóa khác được kinh doanh buôn bán trên toàn cầu, 44% nguyên liệu sản xuất phân bón được xuất khẩu đi các nước khác nhau. Những yếu tố đó có ảnh hưởng lớn đến giá phân bón, vì sản xuất phân bón không chỉ chịu ảnh hưởng của những gì diễn ra tại quốc gia sản xuất hoặc chi phí sản xuất tại quốc gia đó mà còn chịu ảnh hưởng của nhu cầu phân bón từ nhiều nước khác cũng như chi phí vận chuyển để đưa đến nơi tiêu thụ cuối cùng.  

Nhu cầu toàn cầu tăng

Hai phần ba nhu cầu phân bón được phục vụ chủ yếu cho 6 loại cây trồng chính là ngô, lúa mì, lúa gạo, rau xanh, hoa quả và đậu nành. Ngô chiếm 16% nhu cầu phân bón dùng cho các trang trại nông nghiệp trên toàn cầu, lúa mì đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 15% nhu cầu phân bón toàn cầu, lúa gạo chiếm khoảng 14% nhu cầu, tiếp theo là rau xanh chiếm 9%, hoa quả chiếm 7% và đậu nành chiếm 5%.

Là quốc gia sản xuất ngô, đậu nành và lúa mì quy mô lớn, Mỹ cũng là nước tiêu thụ nhiều phân bón. Tuy nhiên, với công nghệ và đổi mới ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp, lượng phân bón sử dụng tại Mỹ đã giảm trong bối cảnh diện tích gieo trồng tăng. Vào thời kỳ lượng sử dụng phân bón lên đến đỉnh cao, trong năm tài chính 1980/1981 Mỹ đã sử dụng 23,7 triệu tấn phân bón, nhưng sau đó lượng phân bón này đã giảm nhờ áp dụng phương pháp bón phân chính xác. Năm tài chính 2015/2016 nông dân Mỹ chỉ sử dụng tổng cộng 22,1 triệu tấn phân bón. Ngô chiếm 49% lượng phân bón sử dụng tại Mỹ, trong khi đó lúa mì chiếm khoảng 11% và đậu nành chiếm 10%. Tổng cộng, 3 loại cây trồng này chiếm khoảng 70% lượng phân bón tiêu thụ tại Mỹ.

Nhưng trong khi lượng phân bón sử dụng tại Mỹ giảm thì tiêu thụ phân bón ở một số nước khác lại đang gia tăng. Thập niên 1960, Mỹ chiếm 25% lượng phân bón sử dụng trên toàn cầu, nhưng ngày nay chỉ còn chiếm khoảng 10%, trong đó nông dân Mỹ chỉ chiếm 2% lượng tiêu thụ này.

Sản xuất phân đạm đã bị cắt giảm ở hầu hết tất cả các nơi trên thế giới vì những nguyên nhân như giá khí thiên nhiên tăng cao tại châu âu, siêu bão tại Louisiana (Mỹ) và tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng ở Trung Quốc. Nhưng trên hết là tình trạng hỗn loạn và đứt gãy của chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Những yếu tố về hậu cần

Các quốc gia sản xuất phân bón lớn trên thế giới vẫn thường xuyên phải nhập khẩu các loại phân bón khác nhau để đáp ứng nhu cầu trong nước. Khi đó, các nhà kinh doanh phân bón phải trả cho phân bón nhập khẩu theo giá trên thị trường toàn cầu, cộng với chi phí vận chuyển.

Theo dữ liệu của Hiệp hội phân bón quốc tế IFA, năm 2018 Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất phân đạm (chiếm 24,6% sản lượng toàn cầu), Mỹ đứng thứ hai với 11,6% sản lượng toàn cầu, tiếp theo là Ấn Độ với 11,3%. Trong sản xuất phân lân, Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới (chiếm 37,7% sản lượng toàn cầu), Mỹ đứng thứ hai với 9,9%, tiếp theo là Ấn Độ với 9,8%. Trong sản xuất phân kali, Canađa đứng đầu thế giới, chiếm 31,9% sản lượng toàn cầu, tiếp theo là Belarut với 16,5% và Nga với 16,1%, Trung Quốc đứng thứ tư. Tổng cộng, 4 quốc gia là Canađa, Belarut, Nga và Trung Quốc chiếm 80% tổng sản lượng phân lân toàn cầu. 

Về mặt xuất khẩu, Nga là quốc gia xuất khẩu phân bón đứng đầu thế giới, chiếm 16,5% thị phần xuất khẩu phân đạm trên toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc với 11,2% và Arập Xê-út với 6,4% thị phần. Các nhà sản xuất phân đạm tại Mỹ chỉ chiếm 4,6% tổng lượng xuất khẩu phân đạm trên toàn cầu.

Trên thị trường xuất khẩu phân lân toàn cầu, Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu phân lân với 25,2% thị phần, tiếp theo là Marốc với 17,4%, Nga với 12,7% và Mỹ với 11,8% thị phần. 

Về mặt xuất khẩu phân kali, Canađa chiếm thị phần lớn nhất là 36,2% trên thị trường xuất khẩu phân kali toàn cầu, tiếp theo là Belarut với 18,5% và Nga với 16,5% thị phần.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng và vận chuyển vốn trước đây đã thường xuyên bị tắc nghẽn thì nay còn phải tăng cường khối lượng vận chuyển gấp nhiều lần để bù đắp cho những thời gian bị phong tỏa vì dịch. Áp lực lớn này đã làm tăng mạnh cước phí vận chuyển cũng như nhu cầu nhân công. Trong khi đó, phân bón thường phải được cung cấp đến những vùng nông thôn với điều kiện vận chuyển bất lợi hơn nên cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. 

Tình trạng thiếu container và cước tàu biển tăng giá phi mã thời gian qua đã gây ra khó khăn rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tại, giá cước vận chuyển của các con tàu biển loại lớn (tàu Panamax) đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2021. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực bốc dỡ cũng như xử lý hàng hóa bị suy giảm tại các cảng trọng điểm ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ vì tác động của dịch Covid-19. Điều đó dẫn đến tình trạng  ùn tắc ở các cảng, khiến các tàu container ở các cảng trên khắp thế giới không thể thông quan và phải thả neo chờ ngoài khơi, góp phần gây ra tình trạng thiếu container và giá cước tăng cao. 

Chi phí năng lượng và các chi phí khả biến khác 

Bên cạnh những nguyên liệu được định giá theo thị trường toàn cầu, các nhà máy sản xuất phân bón còn phải sử dụng những lượng lớn năng lượng trong các quy trình sản xuất. Chẳng hạn, khí thiên nhiên chiếm 70-90% chi phí khả biến trong tổng hợp amoniăc theo quy trình Haber-Bosch. Giá khí thiên nhiên đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt giá khí thiên nhiên ở châu âu đã tăng 300% trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2021. Sự tăng giá mạnh của khí thiên nhiên đã buộc nhiều nhà máy sản xuất phân đạm tại EU phải tạm thời đóng cửa. Trong khi đó, thời gian xây dựng nhà máy amoniăc theo quy trình Haber-Bosch thường kéo dài 3-5 năm với chi phí khoảng 3-5 tỉ USD. Vì vậy, nếu trong tương lai nhu cầu tăng mạnh trở lại thì thời gian đáp ứng để bổ sung nguồn cung từ các nhà máy mới sẽ trễ 3-5 năm so với nhu cầu, đồng thời chi phí sẽ cao hơn đáng kể.  

Trong thời tiết lạnh giá bất thường do những cơn bão tuyết mùa đông tháng 2-2021 ở bang Texas (Mỹ), hoạt động của phần lớn các nhà máy sản xuất khí thiên nhiên tại Mỹ đã bị gián đoạn hoặc lượng khí thiên nhiên sản xuất ra được cung cấp ưu tiên cho Texas để đáp ứng nhu cầu sưởi tăng mạnh. Tình hình đó đã buộc các nhà máy amoniăc của Mỹ ở các bang Oklahoma, Texas và Louisiana (chiếm tổng cộng 60% sản lượng toàn quốc) phải đóng cửa tạm thời, sản lượng bị cắt giảm lên đến 250.000 tấn. Tiếp theo đó, siêu bão Ida lại tràn vào khu vực này và sản xuất amoniăc bị gián đoạn một lần nữa. 

Cùng với các đợt gián đoạn sản xuất vì yếu tố thời tiết như trên, nhiều kế hoạch bảo dưỡng thiết bị ở các nhà máy phân bón đã bị trì hoãn trong bối cảnh các đợt phong tỏa vì dịch COVID-19. Những hoạt động bảo dưỡng như vậy là thiết yếu để duy trì hoạt động sản xuất an toàn ở các nhà máy phân bón. Những gián đoạn do dịch COVID-19 gây ra đủ để làm giảm nhẹ nguồn cung phân bón, mặc dù trong vài năm qua các quốc gia đã đầu tư ngày càng nhiều để xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón.   

Những chi phí ngắn hạn do sự tăng giá khí thiên nhiên và các đợt tạm ngừng sản xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất phân bón vì chúng gây ra tính phi kinh tế ở quy mô lớn. Khi chi phí khả biến ngắn hạn trong sản xuất tăng cao hơn chi phí sản xuất trung bình dài hạn, về mặt hiệu quả kinh tế nhà máy sẽ không thể tiếp tục duy trì quy mô sản xuất lớn, vì vậy sẽ phải cắt giảm sản xuất, thị trường sẽ phải tìm kiếm các phương án thay thế để đảm bảo nguồn cung.Trong sản xuất phân bón, khi giá khí thiên nhiên tăng phi mã khiến cho chi phí sản xuất tăng cao như trong trường hợp các nhà máy sản xuất amoniăc, các nhà sản xuất phân bón trong nước không thể tiếp tục cạnh tranh với các nhà sản xuất ở nước ngoài có chi phí thấp hơn, do đó nhu cầu phân bón phải được đáp ứng bằng nhập khẩu. đối với phân đạm, mặc dù có tổng cộng 36 nhà máy sản xuất amoniăc trong nước nhưng năm tài chính 2019/2020 Mỹ vẫn phải nhập khẩu 30% phân đạm theo giá thị trường quốc tế cộng với chi phí vận chuyển. Trước đó, vào thời kỳ 2005-2006 Mỹ đã phải nhập khẩu đến 59% phân đạm.

Chi phí sản xuất các loại phân bón khác cũng tăng tương tự khi giá khí thiên nhiên tăng, vì các quá trình khai thác quặng nguyên liệu cũng như sản xuất phân bón đều sử dụng các thiết bị vận hành bằng điện với lượng tiêu thụ điện khá lớn. Hơn nữa, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia sản xuất phân kali và số quốc gia xuất khẩu loại phân bón này còn ít hơn, vì vậy nguồn cung phân kali càng bị thắt chặt.

Sự thay đổi của dự báo nhu cầu phân bón trong bối cảnh dịch COVID-19

Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón là phản ứng của thị trường trước các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và dự báo nhu cầu phân bón. 

Mùa hè 2020, triển vọng thị trường đối với các loại hàng nông sản khá ảm đạm, giá nông sản xuống thấp và không ổn định. Tại Mỹ, giá ngô và đậu nành tháng 6-2020 giảm xuống những mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2006, giá lúa mì cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. 

Tương tự, giá phân bón trong thời gian từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2020 đã giảm xuống những mức thấp nhất kể từ thời kỳ 2016-2017. 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, IFA dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm và chỉ tăng 1% trong 2 năm tiếp theo. Nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2017/2018 được xác định là 190,1 triệu tấn (chất dinh dưỡng), đối với năm tài chính 2018-2019 là 188,8 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu đối với các năm tài chính 2019/2020 và 2020/2021 được dự báo là 190,5 triệu tấn và 192,9 triệu tấn tương ứng.

Khi dịch COVID-19 kéo dài và bất ổn thị trường tăng cao, những dự báo về nhu cầu phân bón càng trở nên bi quan hơn. Trong báo cáo tháng 7-2020 của IFA, nhu cầu phân bón được dự báo sẽ giảm mạnh. Khi đó, cơ quan này dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2020/2021 sẽ giảm từ 192,9 triệu tấn xuống 184,4 triệu tấn, tức là giảm 4,5%. Theo dự báo mới nhất của IFA, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 189 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022. Dựa trên những dự báo đó, các nhà sản xuất phân bón đã điều chỉnh giảm sản lượng một cách tương ứng. Tình hình thị trường cho thấy không có dấu hiệu về những đợt tăng sản lượng hoặc tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời gian tiếp theo.

Nhưng sau đó, khối lượng nhập khẩu nông sản trên thế giới bất ngờ tăng, khiến cho giá nông sản tăng nhanh, đặc biệt là ngô, đậu nành và lúa mì. Theo dự báo tháng 4/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá ngô có thể tăng 34% và đạt mức cao nhất kể từ năm 2013, giá đậu nành cũng được dự báo sẽ tăng 37%. Vì vậy, triển vọng thị trường đối với người nông dân đã cải thiện đáng kể trong năm 2021. Giá nông sản tăng đã khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích gieo trồng. Nhìn chung, trong năm 2021 diện tích gieo trồng đã tăng mà không giảm hoặc giữ nguyên so với năm 2020.

Những báo cáo mới sau đó của IFA đã phản ánh những thay đổi như trên, nhu cầu phân bón được dự báo còn cao hơn thời kỳ trước khi xảy ra dịch COVID-19. Trong báo cáo tháng 11/2020, IFA dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2020/2021 sẽ đạt 193,5 triệu tấn, cao hơn 3,5% so với dự báo trước (184,4 triệu tấn). Mức chênh lệch giữa dự báo nhu cầu đưa ra vào tháng 7/2020 và dự báo đưa ra vào tháng 11/2020 là mức thiếu hụt nguồn cung mà các nhà sản xuất hiện đang phải tìm cách bù đắp.

Có thể nói, sự gia tăng của nhu cầu phân bón sau khi diện tích gieo trồng mở rộng nhanh đã tạo ra một cú sốc cho chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch thời gian đầu, những dự báo sớm đã cho rằng dịch COVID-19 sẽ tác động bất lợi đến nhu cầu phân bón, phản ứng của thị trường đối với những dự báo đó đã khiến cho các nhà sản xuất tiến hành cắt giảm sản lượng. Nhưng sau đó, sự tăng nhanh của giá nông sản đã dẫn đến sự đáp ứng của người nông dân, diện tích gieo trồng tăng, nhu cầu phân bón tăng cao và càng làm phức tạp thêm tình hình cung ứng mà trước đó đã căng thẳng do các vấn đề về sản xuất và phân phối dưới tác động của dịch.  

Những yếu tố thương mại và địa chính trị

Với sự gia tăng của khối lượng bón xuất khẩu trên thế giới, các trường hợp tranh chấp thương mại đã góp phần làm tăng giá phân bón cũng như nguyên liệu sản xuất phân bón. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu 2,4 triệu tấn nguyên liệu phân bón từ Marốc và Nga. Sau đó, một số công ty sản xuất phân bón đã đâm đơn kiện về bán phá giá đối với hai nước này, do đó nhập khẩu của Mỹ đã giảm. Năm 2019, nhập khẩu phân bón từ Marốc vào Mỹ chỉ tăng 11% so với năm 2018, trong khi đó nhập khẩu từ Nga giảm 16%. Công ty Mosaic, nhà sản xuất phốtphat lớn nhất của Mỹ, đã thắng vụ kiện chống bán phá giá, với kết quả là các sản phẩm phốtphat nhập khẩu sẽ bị đánh thuế 30%. Công ty CF Industries, nhà sản xuất UAN lớn nhất của Mỹ, cũng thắng vụ kiện tương tự đối với nitơ lỏng nhập khẩu từ Nga.

Cuối tháng 9/2021, Trung Quốc đã quyết định cấm xuất khẩu các sản phẩm phốtphat do chi phí sản xuất tăng và nhu cầu sử dụng trong nước cao. Trung Quốc chiếm 25% khối lượng phân lân xuất khẩu trên toàn cầu, vì vậy quyết định cấm xuất khẩu đó đã tạo thêm áp lực lên giá phân bón trên thị trường thế giới. Hơn nữa, Trung Quốc hiện chiếm 10% xuất khẩu urê trên toàn cầu và có khả năng cũng sẽ cấm xuất khẩu sản phẩm này.

Bên cạnh các tranh chấp thương mại, chính sách của một số nước cũng đang tác động đáng kể đến giá phân bón toàn cầu. Ví dụ, trong năm qua chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận chi bổ sung 3,8 tỉ USD để trợ cấp cho người nông dân mua phân bón. Quyết định này đã khiến cho nhu cầu phân bón tại đây tiếp tục tăng cao và góp phần làm tăng giá phân bón trên toàn cầu.

- Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 2/2022-v