Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Khẩn trương bình ổn giá phân bón

Cập nhật: 16-03-2021 11:26:22 | Tin thị trường | Lượt xem: 958

Khẩn trương bình ổn giá phân bón

Hiện nay, giá các loại phân bón như Ure, Kali, NPK, DAP... ở các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng từ 20% đến 30% so với thời điểm cuối năm 2020, gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình nêu trên, cơ quan chức năng cần khẩn trương triển khai các giải pháp để bình ổn giá phân bón.

Giá phân bón tăng cao

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 11-2020 đến nay giá nhiều loại phân bón tăng cao. Cụ thể, giá phân DAP tăng 900 đồng/kg từ 8.600 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg (tăng 10,5%), giá Ure tăng 1.500 đồng/kg từ 7.100 đồng/kg lên 8.600 đồng/kg (tăng 21,1%), giá phân lân biến động nhẹ như lân nung chảy tăng 50 đồng/kg từ 2.600 đồng/kg lên 2.650 đồng/kg (tăng 1,9%)… Lý giải về nguyên nhân giá phân bón thời gian qua liên tục "leo thang", Cục BVTV cho biết, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như: Khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân Ure, DAP, Kali trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam, Công ty cổ phần DAP-Vinachem, giai đoạn từ tháng 11-2020 đến 2-2021, giá phân DAP nhập khẩu tăng 2.700 đến 5.100 đồng/kg, tương ứng 21% đến 49% (từ 10.400 đồng/kg lên 15.500 đồng/kg đối với DAP xanh của Trung Quốc; từ 12.800 đồng/kg lên 15.500 đồng/kg đối với DAP nhập khẩu Hàn Quốc). Trong khi đó, giá DAP trong nước theo giá giao của nhà sản xuất DAP Ðình Vũ và DAP Lào Cai tăng 900 đồng/kg (khoảng 10,4%) (từ 8.628 đồng/kg lên 9.528 đồng/kg). Trước tình hình phân bón nhập khẩu tăng mạnh, nhất là sản phẩm DAP có tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt, mới đây, các doanh nghiệp nhập khẩu đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc bình ổn thị trường, tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp.

Ðược biết, việc áp thuế tự vệ nhằm bảo đảm hài hòa giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu, chủ động nguồn cung bảo đảm vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm áp lực về giá cho nông dân, đồng thời đóng góp ngân sách nhà nước. Theo Cục BVTV, nhìn vào số liệu báo cáo của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất trong nước (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam, Công ty cổ phần DAP-Vinachem) như đã nói ở trên cho thấy, giá DAP trong nước tăng nhưng biên độ tăng thấp hơn so với DAP nhập khẩu. Mặt khác, việc áp thuế tự vệ đã được thực hiện từ 19-8-2017 đến nay chứ không phải mới áp dụng loại thuế tự vệ này. Do đó, không đủ cơ sở để khẳng định việc áp thuế tự vệ là nguyên nhân làm tăng giá phân bón thị trường trong nước, cần tiếp tục áp dụng áp thuế tự vệ hiện nay đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP.

Tăng sản xuất, ưu tiên phục vụ thị trường trong nước

Nhiều địa phương hiện đang lo ngại giá phân bón sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó, tình trạng khan hiếm phân bón có thể xảy ra, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ hè thu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình trên, Cục BVTV khẳng định, ngành phân bón đủ nguồn cung phục vụ sản xuất.

Trưởng phòng Quản lý Phân bón (Cục BVTV) Phạm Minh Lan cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay khoảng 10,5 triệu tấn/năm. Sản lượng từ các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng 7,5 triệu tấn (2,3 triệu tấn Urê, 1,2 triệu tấn lân, 0,4 triệu tấn DAP và MAP, khoảng 2,6 triệu tấn phân bón hữu cơ, khoảng 1,0 triệu tấn phân bón trung vi lượng và phân bón khác). Cùng với sản xuất trong nước, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 3,97 triệu tấn và xuất khẩu 1,2 triệu tấn phân bón. Số liệu trên cho thấy, lượng phân bón sản xuất trong nước cộng với nhập khẩu sau khi trừ đi lượng phân bón xuất khẩu năm 2020 hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp khoảng 10,5 triệu tấn/năm. Thêm vào đó, đầu năm nay, nhiều công ty sản xuất phân bón lớn đang duy trì sản xuất, cung ứng phân bón ra thị trường ổn định, thậm chí một số đơn vị sản lượng sản xuất còn cao hơn cùng kỳ năm 2020. Ðơn cử như: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Ðiển, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai, Công ty TNHH MTV DAP Vinachem, Công ty cổ phần Bình Ðiền, Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm... Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nhất là phân bón hữu cơ khai thác từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) nhằm thay thế một phần phân bón vô cơ cho nên lượng phân bón vô cơ sử dụng có thể giảm xuống. Như vậy, nếu sản lượng sản xuất trong nước, nhập khẩu duy trì như hiện nay cộng với xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ thì hoàn toàn có thể cung ứng đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2021.

Ðối với vấn đề bình ổn giá phân bón, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, Cục BVTV đã trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để tìm giải pháp duy trì nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước. Mặc dù giá phân bón các doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước nhưng hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn như Công ty CP Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai, Công ty TNHH MTV DAP Vinachem, Công ty CP Bình Ðiền, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau,... đang thực hiện cắt giảm lượng phân bón xuất khẩu để ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ sản xuất vụ hè thu đang tới. Ðồng thời, để bình ổn giá phân bón đang gia tăng trong giai đoạn hiện nay, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua việc tăng sản lượng sản xuất và hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường vào cuộc trong việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá để trục lợi.

Nguồn: Nhandan.com.vn