Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Doanh nghiệp phân bón và chuyện xuất khẩu: Nếu tắc đầu ra, tồn kho ure có thể tăng cao gấp 2 lần vào cuối năm với 461.000 tấn

Cập nhật: 19-08-2021 04:10:36 | Tin thị trường | Lượt xem: 406

Doanh nghiệp phân bón và chuyện xuất khẩu: Nếu tắc đầu ra, tồn kho ure có thể tăng cao gấp 2 lần vào cuối năm với 461.000 tấn

Tình trạng thừa rất dễ hiểu trong ngành phân bón vì liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu tiêu thụ trong nước trong quý 3/2021 giảm; nông dân chuyển sang dùng phân NPK do phân đơn tăng, giá nông sản thấp, mức độ đầu tư cho nông nghiệp thấp.

Phân bón là đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn, hiện chiếm gần một phần hai giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó là giống, thuốc BVTV…

Giá phân bón tăng cao, trong khi đầu ra và giá bán nhiều mặt hàng nông sản thiếu ổn định, ách tắc trong thu mua nông sản khiến nông sản giảm chất lượng, rớt giá đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.

Vậy, giải quyết tình trạng tăng giá này phải chăng cần cần giải quyết từ gốc?

Giá phân bón tăng chủ yếu do nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho rằng, giá phân bón tăng không phải do cầu vượt cung. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng trong những năm gần đây, trên 10 triệu tấn.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, tăng 11,7% so cùng kỳ 2020. Lượng phân bón nhập khẩu đến hết tháng 6 đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu trên cho thấy, dù lượng phân bón xuất khẩu tăng khá nhưng tổng nguồn cung phân bón cho sản xuất trong nước vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, dù xuất khẩu tăng khá nhưng lượng phân bón do trong nước sản xuất dành cho nhu cầu nội địa vẫn đạt trên 4 triệu tấn, tăng 284 ngàn tấn so với mức 3,74 triệu tấn của 6 tháng đầu năm 2020.

"Số liệu này chứng minh, không có sự chênh lệch cung cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao", ông Trung nhận định.

Nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm 2021 tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phân tích thêm, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón. Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Ngoài ra, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng rất mạnh trong thời gian qua dẫn đến giá thành tăng. Chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển, cũng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng…

Theo như phân tích trên, các loại phân bón hóa học (phân bón vô cơ) được sản xuất trên nền tảng công nghệ lấy khí là nguyên liệu chính, dầu là chất đốt quá trình. Nước ta đã phải tăng nhập khẩu dầu thô lên nhiều lần từ năm 2018 đến nay để chế biến và phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng. Khi giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 25,9% đầu năm 2021 và tiếp tục duy trì do diễn biến kinh tế thế giới, tình hình Trung Đông cùng đại dịch Covid-19 kéo dài, đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu không có đầu ra, tồn kho ure trong nước sẽ đạt mức cao gấp 2 lần vào cuối quý 4/2021

Để bình ổn thị trường phân bón, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn hàng cần thiết, vận chuyển hàng về các khu vực trong lúc thấp vụ để chuẩn bị sẵn cho vụ Đông Xuân sắp tới đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế càng khó khả thi.

Trong khi liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tối đa, thì theo báo cáo nghiên cứu thị trường, các doanh nghiệp cũng chia sẻ cái khó của họ nếu chỉ chăm chăm thị trường trong nước. Nhiều đơn vị đã lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong nửa cuối năm, song song với việc đáp ứng nhu cầu trong nước.

Dự báo đến tháng 12/2021, lượng tồn kho ure có thể lên đến 461.000 tấn. Nếu không có giải pháp giải quyết đầu ra, tình hình tồn kho ure trong nước sẽ đạt mức cao gấp 2 lần vào cuối quý 4/2021.

Tình trạng thừa cũng này rất dễ hiểu trong ngành phân bón vì liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu tiêu thụ trong nước trong quý 3/2021 giảm; nông dân chuyển sang dùng phân NPK do phân đơn tăng, giá nông sản thấp, mức độ đầu tư cho nông nghiệp thấp. Và chính con số tồn kho sẽ gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp không thua kém gì ách tắc về đầu ra nông sản khi doanh nghiệp buộc phải hạn chế xuất khẩu trong khi trong nước khi có nhu cầu.

Nguồn: Doanhnghieptiepthi.vn