Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Thiệt hại do phân bón giả mỗi năm khoảng 2,5 tỷ USD

Cập nhật: 27-10-2018 03:02:55 | Tin thị trường | Lượt xem: 711

Thiệt hại do phân bón giả mỗi năm khoảng 2,5 tỷ USD

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây ra cho ngành nông nghiệp 2 - 2,5 tỷ USD.

Theo ông Bùi Thế Chuyên, việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn. Họ đánh vào sự hám lợi của các đại lý, cửa hàng mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và tạo cơ hội để tình trạng gian lận phát triển.

Ông Chuyên khuyến cáo, các doanh nghiệp (DN) cần phải chủ động để bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT), sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý; tăng cường công tác phát hiện và hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả.

Nhiều kiến nghị được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) đưa ra tại Hội thảo Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TP.HCM.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là quốc nạn. Diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Vấn đề này gây bức xúc và tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và gây thất thu ngân sách. Các mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền SHTT gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, điện tử...

9 tháng đầu năm 2018, cơ quan QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng giả về chất lượng, công dụng 458 vụ; hàng giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền SHTT; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.

Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM nêu thực trạng khá phổ biến hiện nay là, nhiều DN đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website, mạng xã hội.

Mục đích để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng và đây cũng là kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Với hình thức này, các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý. Lý do những vi phạm liên quan đến SHTT hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý, huống chi đây lại vô hình.

Theo ông Bách, để công tác chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có nghiệp vụ, am hiểu luật pháp về lĩnh vực kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả cũng là việc cần làm để góp phần cho công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng hiệu quả.

Mặt khác, các cơ quan thực thi pháp luật cần đưa ra những giải pháp cụ thể để tiến tới rút giấy phép, xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm lớn. Ngoài ra, nhiều DN kiến nghị cần đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này, góp phần gia tăng nguồn thu NSNN.

Nguồn: Doanhnghiepvn.vn