Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Thị trường phân bón: Tiềm ẩn nguy cơ dư nguồn cung

Cập nhật: 29-08-2017 03:55:16 | Tin thị trường | Lượt xem: 1264

Thị trường phân bón: Tiềm ẩn nguy cơ dư nguồn cung

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, các DN phân bón trong nước đã không ngừng đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất. Mặc dù phân bón do các DN sản xuất vẫn đang tiêu thụ tốt, nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia, thị trường phân bón trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ thừa nguồn cung do phân bón ngoại vẫn đang tiếp tục tràn vào Việt Nam.

DN SẢN XUẤT PHÂN BÓN TĂNG CÔNG SUẤT

Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ, thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết: Ngày 15-7-2017, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ đã đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn urê sau hơn 13 năm hoạt động. Hàng năm, sản lượng Đạm Phú Mỹ sản xuất ra đều được thị trường tiêu thụ hết và luôn chiếm gần 40% thị phần phân đạm cả nước. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường phân phối phân bón, hóa chất ra các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, PVFCCo đang tập trung triển khai dự án Tổ hợp xưởng NH3 mở rộng – Nhà máy sản xuất NPK Phú Mỹ, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Tổ hợp này sẽ nâng công suất xưởng sản xuất NH3 của Nhà máy đạm Phú Mỹ thêm 90 ngàn tấn/năm (tăng khoảng 20% công suất hiện có) và sản xuất 250 ngàn tấn NPK/năm bằng công nghệ hóa học của hãng Incro SA (Tây Ban Nha) - công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Dự kiến, đầu năm 2018, Tổ hợp nói trên sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng, từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết và thị trường có nhiều biến động bất lợi, nhưng sản lượng phân đạm và chất phụ gia UFC85 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đều vượt kế hoạch đề ra. Tính đến đầu tháng 7-2017, nhà máy đã sản xuất 449.707 tấn phân đạm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; sản xuất 7.012 tấn UFC85 đạt 54% kế hoạch năm. Tổng doanh thu 4.425 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 564 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (thuộc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam) có công suất khoảng 500 tấn phân bón/ngày. Hiện Công ty đã có kế hoạch mở rộng, đầu tư thêm một số nhà máy sản xuất phân bón tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc trong thời gian tới. Ông Trần Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam cho biết: Qua khảo sát thị trường cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón đạt chuẩn của nông dân rất lớn. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Công ty đã tiêu thụ 30 ngàn tấn sản phẩm tại các tỉnh BR-VT, Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang và một số tỉnh miền Trung. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, doanh thu của Công ty tăng 10%.

Trước đó, một số đơn vị sản xuất phân bón trong nước cũng đã mở rộng nhà máy, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất. Chẳng hạn, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã đầu tư nhà máy sản xuất NPK với công suất ban đầu 200 ngàn tấn/năm; đến năm 2019 sẽ nâng công suất lên 250 ngàn tấn/năm.

LO NGẠI DƯ NGUỒN CUNG

Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt gần 550 ngàn tấn, kim ngạch 153,6 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 27,9% về giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành phân bón vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là việc thừa nguồn cung. Thời gian qua, lượng phân bón nhập khẩu gấp nhiều lần lượng phân bón Việt Nam xuất khẩu. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập khẩu 2,9 triệu tấn phân bón, với kim ngạch nhập khẩu 790,8 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng phân bón nhập khẩu lớn, cộng với sự đầu tư mở rộng ồ ạt của các nhà máy trong nước như hiện nay, nguy cơ dư thừa nguồn cung sẽ rất lớn. Còn nhớ năm 2016, hàng loạt nhà máy đã phải cắt giảm sản lượng phân bón ra thị trường do tình hình hạn hán và ngập mặn làm giảm diện tích gieo trồng, thị trường tiêu thụ phân Urê cả nước chỉ đạt 2,09 triệu tấn, giảm 4,76% so với năm 2015.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đến nay, ngành phân bón trong nước đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước về sản lượng cũng như chất lượng. Do đó, để các DN sản xuất phân bón trong nước phát triển, bên cạnh những giải pháp mà Nhà nước áp dụng như áp thuế tự vệ với phân bón, kiểm soát phân bón nhập khẩu, hạn chế phân bón giả, kém chất lượng..., ngành chức năng cần khuyến cáo các nhà máy sản xuất phân bón khi đầu tư mở rộng sản xuất phải tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ thị trường, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các DN ngành phân bón nên đầu tư sản xuất các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như phân Kali (hiện nay Việt Nam không sản xuất được phân Kali do không có quặng Kali nên phải nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng này) để thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu. Còn riêng với phân Urê, hiện tại sản xuất trong nước đã dư thừa.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn