Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Ngành sản xuất phân bón trên thế giới trong cơn bão virut corona

Cập nhật: 15-10-2020 02:13:29 | Tin thị trường | Lượt xem: 895

Ngành sản xuất phân bón trên thế giới trong cơn bão virut corona

Khi dịch COVID-19 lan rộng ra khắp địa cầu, hiệu ứng domino của nó chỉ có tác động hạn chế đối với ngành sản xuất phân bón thế giới. Tuy nhiên, nhiều tác động của đại dịch toàn cầu này đang bắt đầu thể hiện ở một số lĩnh vực phân bón trong bối cảnh những lượng lớn nông sản như hoa quả và rau xanh bị hư hỏng vì không tiêu thụ được.

Trung Quốc là tâm điểm ban đầu của dịch thì nay đã bắt đầu trở về bình thường, sản xuất hầu hết tất cả các loại phân bón đã bắt đầu tăng trở lại. Đây là quốc gia tiêu thụ nhiều phân bón nhất thế giới, với mức tiêu thụ trung bình 50 tấn/ha. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu những lượng lớn urê.

Khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu phong tỏa các thành phố vì dịch COVID-19, tác động của sự phong tỏa này rất lớn, nhiều nhà máy sản xuất phải cắt giảm sản lượng vì thiếu nhân công. Các vấn đề về giao thông vận tải, cả đường bộ, đường sắt và đường biển, đã có tác động lớn lên chuỗi cung ứng phân bón, khiến cho lượng tồn kho phân bón tăng mạnh.

Sản xuất axit phốtphoric của Trung Quốc là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ngành sản xuất phân bón. Các cơ sở sản xuất phân bón tại tỉnh Hồ Bắc chiếm đến một phần ba tổng công suất phân bón toàn quốc. Vì vậy, từ chỗ là nước xuất khẩu DAP lớn nhất thế giới Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng sản phẩm phân bón này.

Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định về phong tỏa, dòng lưu thông tất cả các loại phân bón đã hồi phục nhanh chóng và trở về mức bình thường.

Sản xuất urê tại Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn, do tỉnh Hồ Bắc chỉ chiếm khoảng 3% tổng công suất urê toàn quốc.

Khi dịch COVID-19 lan ra thế giới, nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận thấy tác động của virut corona vào đúng thời điểm nhu cầu sử dụng phân bón theo vụ mùa hàng năm đang tăng lên mức cao nhất, đặc biệt ở các nước Bắc Bán cầu.

Trên thực tế, nhu cầu phân bón trong tháng 3 vẫn duy trì ở mức tốt. Tuy đã phải chịu một số áp lực giảm giá trong các tháng 4 và 5, nhưng nhìn chung giá phân bón trên thị trường thế giới đã không sụt giảm mạnh như ở các thị trường dầu khí và hóa dầu.

Đến tháng 6, tình hình thị trường ổn định trở lại, giá phần lớn các loại phân bón đã tăng.

Khi virut corona tiếp tục lan truyền ra khắp thế giới, các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở nhiều nước đã rút ra một số bài học từ Trung Quốc, chính phủ nhiều nước đã cung cấp sự hỗ trợ kịp thời. Hoạt động vận chuyển phân bón qua biên giới các nước châu âu vẫn tiếp tục nhưng với các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ để bảo vệ những người lái xe và lực lượng lao động.

Pháp là quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất châu âu và đã trải qua những tháng mùa xuân mà hầu như không gặp phải các tác động đối với nguồn cung hoặc nhu cầu phân bón, mặc dù một số điểm yếu đã bắt đầu xuất hiện. Các vấn đề về lưu thông dòng tiền đã phát sinh ở một số nơi và thời tiết khô hạn các tháng 4 và 5 sau những tháng nhiều mưa đầu năm 2020 đã làm hư hại vụ mùa.

Ngành nông nghiệp Đức cũng phải chứng kiến nông sản bị hư hỏng vì không tiêu thụ được, phần lớn do tác động của dịch COVID-19. Ví dụ, việc đóng cửa các quán cà phê, quán bar và nhà hàng với lượng tiêu thụ khoai tây chiên rất lớn đã dẫn đến sự sụt giảm 60% nhu cầu khoai tây.

Tương tự như châu âu, dịch COVID-19 đã hoành hành ở khắp các nước châu Mỹ La tinh đúng vào thời điểm mùa tiêu thụ phân bón cao nhất hàng năm. Nhu cầu phân bón tại châu Mỹ La tinh trong những tuần đầu tháng 6 vẫn ở mức cao, những lượng lớn phân bón đã được vận chuyển đến Braxin và Achentina.

Trong dịch COVID-19, ngành sản xuất phân bón đã duy trì hoạt động tốt hơn so với các ngành hóa dầu và năng lượng. Các nhà sản xuất phân bón đã được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu và năng lượng giảm, ngay cả các nhà sản xuất quy mô nhỏ cũng tiếp tục vận hành và thị trường đã không phải trải qua tình trạng thiếu nguồn cung.

Nhưng hiện đang có một số lo ngại về những nhà máy được đưa vào vận hành trong năm 2020 có thể gây ra tình trạng cung vượt cầu. Tuy nhiên, một số trong những dự án mới có khả năng sẽ bị trì hoãn đến năm 2021 do phải ưu tiên bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người lao động.

Mặt khác, những lo ngại về khả năng tăng giá vận chuyển do quy định về giảm thiểu hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (quy định IMO 2020) đã không trở thành hiện thực do sự sụt giảm mạnh của giá nhiên liệu dầu.

Có vẻ như đã không xảy ra sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu phân bón từ khi dịch COVID-19 bùng phát bên ngoài Trung Quốc được xác nhận ngày 13.1.2020. Hoạt động của nhiều nhà sản xuất, đại lý và người nông dân vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, triển vọng trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều bất ổn khi nhiều nước trên thế giới đang bước vào làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 lần thứ hai với những hậu quả nặng nề đối với nhiều nền kinh tế vốn đã suy yếu mạnh sau đợt lây nhiễm dịch lần thứ nhất.

Những dao động về tiền tệ, bất ổn chính trị và tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước phát triển cũng như đang phát triển chắc chắn sẽ để lại nhiều tác động bất lợi đối với các năm tháng sắp tới.

Nhưng bất kể trong bối cảnh nào, thế giới cũng luôn luôn cần được cung cấp lương thực thực phẩm. Nếu không có phân bón, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ giảm 50%. Vì vậy, sản xuất phân bón sẽ tiếp tục là ngành sản xuất thiết yếu và sẽ duy trì hoạt động trên nền tảng vững mạnh.

Công nghiệp Hóa chất số 9/2020