Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Giá ure, amoniac lại tăng kỷ lục có thể đẩy giá phân bón tiếp tục "phi mã"

Cập nhật: 30-10-2021 02:13:48 | Tin thị trường | Lượt xem: 364

Giá ure, amoniac lại tăng kỷ lục có thể đẩy giá phân bón tiếp tục "phi mã"

Do chủ động được nguồn cung urê từ 4 nhà máy sản xuất nội địa, Việt Nam đã giảm thiểu được tác động tiêu cực của “bão giá” phân bón.

Giá ure, amoniac thế giới lại tăng kỷ lục

Nguồn cung amoniac sụt giảm tại Châu Âu không đáp ứng đủ nhu cầu đã khiến giá nguyên liệu này tiếp tục “phi mã”. Theo bản tin Argus, Công ty Yara đã tăng giá bán amoniac (ammonia) tại Floria – Mỹ lên 825 USD/tấn CFR (CFR- Cost and Freight - người bán phải ký kết hợp đồng chuyên chở đường biển và trả cước để chuyển hàng đến cảng đích) cho lượng hàng giao tháng 11.2021. So với giá cũ, giá đã tăng tới 160 USD/tấn.

Thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy sản xuất amoniac (NH3) tại Châu Âu phải tạm dừng hoạt động do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt. Trong đó, Công ty Yara – Na Uy giảm 40% công suất trên toàn Châu Âu, còn Công ty BASF của Đức đã tạm thời đóng cửa Nhà máy NH3 tại Antewerp và Ludwigshafen vì với mức giá khí mới, giá thành sản xuất NH3 tại Châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 USD/tấn.

Cùng với giá NH3, giá urê cũng đã tăng nhanh lên đến 949 USD/tấn CIF (người bán hàng chịu chi phí thuê tàu, bảo hiểm đến cảng dỡ hàng), tương đương 22.000 đồng/kg. Tại Hoa Kỳ, giá ure đã tăng vượt mức 650 USD/tấn FOB, thiết lập mức giá kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Tại Ai Cập, giá urê tiếp tục tăng thêm 80 USD/tấn và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn FOB cho hàng giao tháng 12.2021…

Dự báo giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục "phi mã"

NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa nitơ như ure, DAP, NPK. Nguyên liệu NH3 “phi mã” đã kéo giá thành sản xuất phân bón lên cao, ảnh hưởng đến thị trường phân bón toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù một số ý kiến cho rằng, do chủ động được nguồn cung ure từ 4 nhà máy sản xuất nội địa, Việt Nam đã giảm thiểu được tác động tiêu cực lên giá phân bón, bởi năng lực sản xuất ure trong nước có phần dư để xuất khẩu.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động, TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhận định: Khả năng từ nay đến cuối năm giá dầu có thể còn tăng, dẫn đến các loại nguyên liệu như amoniac, lưu huỳnh… vẫn tiếp tục tăng. Điều này có thể tác động đến giá phân bón trong nước.

"Đạm Cà Mau và Phú Mỹ mỗi doanh nghiệp sản xuất được 800 nghìn tấn/năm, đạm Ninh Bình sản xuất được 560 nghìn tấn/năm, đạm Hà Bắc sản xuất được 500 nghìn tấn/năm. Tổng công suất của 4 nhà máy này mỗi năm đạt 2,66 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ 1,8 đến 2 triệu tấn. Như vậy, mỗi năm Việt Nam dư khoảng 660-860 nghìn tấn để xuất khẩu” – TS Phùng Hà cho hay.

Tuy năng lực sản xuất ure dư thừa để xuất khẩu, nhưng giá ure trong nước dự báo vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu đà tăng của thế giới không dừng lại. Lý giải nguyên nhân, TS Phùng Hà cho rằng, sản xuất và thương mại là 2 "dòng" hoạt động khác nhau của các doanh nghiệp, nên dù dư thừa ure để xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vẫn phải nhập về.

"Nhà nước chỉ có thể khuyến cáo chứ không thể dùng "mệnh lệnh hành chính" để cho phép doanh nghiệp này được nhập hay không được nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, Nhà nước cần định hướng để hài hòa mặt hàng này" - TS Phùng Hà nói.

Thực tế cho thấy, giá phân bón trên thị trường vẫn tiếp tục tăng trong 2 tuần qua. Ông Hà Văn Tuấn (Trực Ninh – Nam Định), cho hay: So với cùng thời điểm năm trước, giá phân DAP đã tăng khoảng 16.000-17.000 đồng/kg, bán ra ở mức 25.000-26.000 đồng/kg. Phân ure bán ra ở mức 860.000-870.000 đồng/bao, tăng 20.000 đồng/bao so với tuần trước.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đã tham mưu Bộ NNPTNT kết hợp Bộ Công Thương, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng phân bón, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sẽ phối hợp để rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường để tránh tình trạng đầu cơ tăng giá.

Nguồn: Laodong.vn