Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

DAP-Vinachem: Nỗ lực vượt qua gian khó

Cập nhật: 19-09-2017 04:28:26 | Tin thị trường | Lượt xem: 1240

DAP-Vinachem: Nỗ lực vượt qua gian khó

Thị trường phân bón tại Việt Nam vẫn thực sự nóng bỏng. Nguồn hàng giá rẻ, chất lượng nhập nhèm từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào, khiến các doanh nghiệp phân bón làm ăn chân chính trong nước gặp nhiều khó khăn, trong khi người tiêu dùng loay hoay tìm kiếm thương hiệu phân bón chất lượng. Khó khăn chồng chất khó khăn, song Cty cổ phần DAP-Vinachem vẫn cố gắng vượt qua, bằng những nỗ lực đáng ghi nhận.

Khó khăn chồng chất

Kể từ khi được đầu tư Nhà máy DAP Đình Vũ, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem đã chứng minh được sự hiệu quả, khi sản xuất và tiêu thụ hơn 1,8 triệu tấn phân bón phức hợp mang thương hiệu DAP Đình Vũ ra thị trường. Đối với nhiều bà con nông dân, DAP Đình Vũ thực sự là một thương hiệu đảm bảo, mang lại sự tin tưởng trên từng thửa ruộng của họ.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2010 tới 2015, DAP-Vinachem đã có giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15,4 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận lũy kế đạt trên 746 tỉ đồng, các khoản nộp ngân sách đạt 255,3 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 8,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015, tình hình sản xuất và kinh doanh của DAP-Vinachem gặp nhiều khó khăn, đến từ các nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân chính là do lượng phân bón nhập khẩu vào thị trường trong nước quá nhiều, lượng cung lớn hơn nhu cầu thực tế trong nước; phân bón nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc tăng vọt đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Ngoài ra, từ ngày 1.1.2015, Luật thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực. Theo đó, mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu sản xuất đến phân phối, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được hoàn thuế GTGT đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu, động lực (điện, nước) để phục vụ cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng lên, càng khó khăn hơn trong việc cạnh tranh.

Từ tháng 8.2015, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, rồi sau đó là bỏ thuế xuất khẩu phân bón, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân bón của họ có cơ hội xuất khẩu thuận lợi hơn. Theo đó, càng làm cho ngành sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước càng gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu giá rẻ.

Quyết tâm “cắt” lỗ

Ban lãnh đạo Công ty DAP-Vinachem xác định trước khi nhận được sự hỗ trợ bên ngoài, tự thân công ty phải nỗ lực vượt qua gian khó, bằng sự chỉ đạo quyết liệt, làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp, triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí quản lý... để hạ giá thành sản phẩm; ổn định chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; cân đối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ để không làm tăng tồn kho sản phẩm, tránh ứ đọng vốn; điều hành giá bán linh hoạt theo thị trường, theo từng đối tượng khách hàng ở cả 3 kênh tiêu thụ chính…. Công ty đã rà soát, tính toán và xây dựng phương án SXKD năm 2017 theo mục tiêu phấn đấu không lỗ.

Theo đó, mục tiêu trong năm 2017, sản lượng DAP sản xuất và tiêu thụ đạt 268.000 tấn, tăng lần lượt 213,1% và 159,7% so với cùng kỳ 2016. Tổng doanh thu dự kiến đạt 2.092,20 tỉ đồng, tăng 158,6% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận ước thực hiện trong năm 2017 là hơn 1,20 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, DAP-Vinachem đã tích cực đàm phán với các đối tác cung cấp, vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm để nhận được sự chia sẻ trong hoàn cảnh hiện nay.

DAP-Vinachem cũng thực hiện vận hành nhà máy với công suất phù hợp với thiết kế và nhu cầu thị trường. Sản lượng sản xuất 8 tháng đầu năm 2017 tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng tiêu thụ 8 tháng đầu năm bằng 153,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tồn kho sản phẩm DAP tính đến hết tháng 8 là 7.759 tấn, thấp hơn định mức tồn kho được duyệt, chỉ bằng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, DAP-Vinachem còn quyết liệt thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới phân phối, tiêu thụ; quản trị dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý và lực lượng lao động, cắt giảm chi phí nhân công, nhất là chi phí quản lý, chi phí gián tiếp; giao nhiệm vụ với yêu cầu về kết quả và thời hạn cụ thể; sẵn sàng điều chuyển, kể cả cho nghỉ theo quy định đối với các trường hợp không nhận nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối năm 2016, DAP - Vinchem bị đưa vào danh sách 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo đặc biệt do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban để xem xét xử lý.

Với sự giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ và các bộ, ban ngành cùng với những nỗ lực của Cty, số lỗ đã giảm dần theo từng quý và đầu tháng 9.2017, Bộ Công Thương đã báo cáo kết quả với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, DAP - Vinachem đã có lãi. Như vậy, nhà máy DAP Hải Phòng đang dần vươn lên, để không còn nằm trong 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ.

“Để các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực, DAP-Vinachem đề nghị Nhà nước tiếp tục có những chính sách siết chặt quản lý thị trường phân bón trong nước, tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ hơn ngăn chặn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón trong Luật số 71/2014/QH13, để giải quyết những bất cập đã nêu” - đại diện DAP-Vinachem kiến nghị.

Nguồn: Laodong.vn