Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 06-06-2018 07:39:26 | Tin tập đoàn | Lượt xem: 813

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Tại cuộc họp về sản xuất, kinh doanh, công tác đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu Vinachem có biện pháp đảm bảo duy trì sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem - cho biết, 4 tháng đầu năm 2018, với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, các đơn vị trong tập đoàn đã có nhiều khởi sắc. Về kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 183 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, xuất khẩu đạt 95 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu đạt 15.081 tỷ đồng (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017).

Riêng 4 DN sản xuất phân bón thua lỗ (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem, DAP số 2 Vinachem) đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất theo giá thực đạt 3.177 tỷ đồng, đạt 35,8% so với kế hoạch năm 2018, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017.
Liên quan đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất là 0 - 5%, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho hay, hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi luật, nếu được thì sớm nhất phải vào giữa năm 2019 mới có hiệu lực, nên tập đoàn phải xác định năm 2018 DN vẫn đứng trước khó khăn.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận những kết quả khả quan của Vinachem trong 4 tháng đầu năm, đồng thời chỉ đạo cần tăng cường công tác quản trị chi phí, công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN đang có lãi để giảm bớt gánh nặng tài chính của tập đoàn. "Về lâu dài, Vinachem cần nghiên cứu và ban hành chỉ đạo các đơn vị thành viên có cùng ngành hàng sản xuất, kinh doanh tối ưu hóa, tiết giảm chi phí phân phối nhằm phát huy tối đa hiệu quả vai trò chỉ đạo của Tập đoàn, tạo sức mạnh tổng hợp trên thị trường" - Thứ trưởng lưu ý.

Đối với 4 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vinachem và các chủ đầu tư nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Đề án xử lý các tồn tại, vướng mắc của một số dự án, DN chậm tiến độ ngành Công Thương; có các biện pháp cân đối hợp lý giữa vật tư, nguồn vốn, tiêu thụ, tận dụng cơ hội của thị trường, phối hợp các biện pháp quản trị hợp lý để đảm bảo mục tiêu duy trì sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ sản xuất, kinh doanh.

Riêng với công tác thoái vốn, cổ phần hóa của Vinachem, cần thực hiện theo đúng Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 5/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020. "Trước mắt, đối với 3 đơn vị 100% vốn nhà nước (Công ty Mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam), cần khẩn trương xây dựng phương án sử dụng đất và thực hiện cổ phần hóa, thoái 100% vốn nhà nước theo quy định hiện hành" - Thứ trưởng nhấn mạnh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Vinachem cần chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất các kiến nghị phù hợp đảm bảo tính khả thi đối với khoản dư nợ tại các dự án để gửi ngân hàng và tổ chức tín dụng xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Nguồn: Báo Công Thương