Ngôn ngữ
  • Tiếng Việt
  • English
CÔNG TY CỔ PHẦN DAP - VINACHEM

Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Niềm vui của nhà nông

Tạp chí Công thương: Tự vệ hợp lý doanh nghiệp được gì?

Cập nhật: 16-03-2018 06:08:56 | Tin công ty | Lượt xem: 1827

Tạp chí Công thương: Tự vệ hợp lý doanh nghiệp được gì?

Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế tự vệ chính thức với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam. Phóng viên TCCT có cuộc trao đổi với 3 nhà sản xuất phân bón trong nước về hiệu ứng của biện pháp này và chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
 

 

Theo Ông Dương Thành Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty DAP 2, sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty DAP Đình Vũ Hải Phòng và Công ty DAP Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực: sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều hơn phân DAP do Việt Nam sản xuất. Qua đó giúp cho sản phẩm Công ty có cơ hội khẳng định chất lượng và hiệu quả không thua kém phân bón nhập ngoại mặc dù giá bán thấp hơn. “Biện pháp tự vệ của Bộ Công Thương sẽ giúp cho ngành sản xuất phân bón DAP trong nước tiếp tục tồn tại và phát triển, phục vụ lợi ích lâu dài và bền vững cho người nông dân” – ông Hiếu khẳng định.

Bên cạnh đẩy mạnh việc tiêu thụ sản lượng phân bón nội địa, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, biện pháp phòng vệ thuế còn được coi là động lực để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng cường công tác quản trị, quản lý để tăng năng xuất sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, bao bì phục vụ người dân tốt hơn, từng bước nâng cao thị phần tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty CP DAP 1 Vinachem chia sẻ: “Việc áp dụng biện pháp tự vệ thuế đã đem lại hiệu quả thiết thực cho Công ty. Năm 2017, sản lượng sản xuất của Công ty tăng 93,5% so với năm 2016. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư sâu về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất kinh doanh, phấn đấu năm 2018 tăng trưởng thêm 5-6% sản lượng”.

 

Chất lượng của phân bón DAP và MAP sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất phân bón NPK.
Chất lượng của phân bón DAP và MAP sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất phân bón NPK.

 

 

Cũng theo ông Sinh, đây là cách tính rất hài hoà. Mức thuế tự vệ chính thức mà Bộ Công Thương quyết định áp dụng đã được cân nhắc toàn diện các mặt nhằm đảm bảo hài hoà quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân. Mức thuế này bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam cho thấy Bộ Công Thương đã lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, nhất là từ người sử dụng trực tiếp. Có thể nói với mức thuế như vậy thì ngành nông nghiệp trong nước không bị tác động gì lớn, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì chi phí trồng trọt chỉ tăng thêm tối đa không quá 0,72%.

Là đơn vị nhỏ với công suất nhà máy MAP 20.000 tấn/năm, ông Đào Hữu Duy Anh, Phó giám đốc Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai cho biết: “Việc áp thuế tự vệ cũng như cách tính giá và mức áp thuế 1.128.531 VNĐ/ tấn là hợp lý giúp cho giá phân bón ở thị trường trong nước ổn định và có chiều hướng tăng lên”.

Phân bón nhập khẩu không ngừng gia tăng vào thị trường nôi địa đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước. Từ năm 2011 đến 2012, đã có lúc giá bán phân bón DAP nhập khẩu tại Việt Nam tăng mạnh lên tới 20 triệu đồng/tấn. Hơn nữa, trong giai đoạn 2013-2016, theo Bộ Công Thương, phân bón nhập khẩu còn gây ra tác động ép giá, kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu phân bón các loại đạt 2,34 triệu tấn trị giá 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng, 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 và hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước là 1.855.790 đồng/tấn.

Hiện nay, Việt Nam có hai nhà máy sản xuất DAP công suất là 660.000 tấn năm, trong khi đó, nhu cầu thực tế của Việt Nam là 0,9-1 triệu tấn/năm, như vậy là sản xuất trong nước đã đáp ứng được gần 70% nhu cầu phân bón DAP trong nước. Nếu không có biện pháp áp thuế, cả 2 công ty này sẽ vẫn phải duy trì giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt và giá bán liên lục giảm. Khi 2 công ty bị thua lỗ, phá sản thì thị trường phân bón DAP sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu, các nhà nhập khẩu có thể bắt tay để đẩy giá trên thị trường lên và người nông dân sẽ là đối tượng phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Về mặt lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam vì phân bón DAP là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp trong nước và cũng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón NPK. Giá phân bón tăng sẽ khiến cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế.
 
Nguồn:Trần Bản - Tạp chí Công thương